Ung thư cổ tử cung là một trong những ung thư hay gặp ở nữ giới, chiếm khoảng 12% của tất cả các ung thư ở nữ giới và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư cổ tử cung từ 48-52 tuổi. Theo Ghi nhận ung thư 2020, Việt Nam có hơn 9000 ca mắc mới và có hơn 3000 ca tử vong vì căn bệnh này. Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, nhiễm HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung, 90-100% ung thư cổ tử cung có HPV dương tính. Mặc dù có tới hơn 200 type HPV khác nhau, nhưng chỉ khoảng 40 type lây nhiễm ở đường sinh dục và ít nhất 14 type liên quan đến ung thư.
Trong bài viết này, chúng tôi tóm tắt các sự kiện ở cấp độ phân tử tạo thuận lợi cho vòng đời của HPV phụ thuộc vào sự biệt hóa, cách tổ chức vòng đời để tạo điều kiện cho sự tồn tại của virus và cách hoạt động của các protein điều hòa HPV dẫn đến bệnh ác tính.
1. Đặc điểm của virus HPV
Virus gây u nhú ở người (HPV) là tác nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung và ung thư biểu mô khác. Sự tồn tại dai dẳng của nhiễm trùng do các type HPV nguy cơ cao (HR-HPV) là yếu tố nguy cơ lớn nhất và duy nhất đối với sự tiến triển ác tính.
Vi-rút gây ra khoảng 15% số ca ung thư ở người và gần một nửa trong số này là do vi-rút gây u nhú ở người (HPV). Nhiễm trùng do HPV ở đường sinh dục là bệnh nhiễm vi rút lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Mặc dù tiến triển thành ung thư là một sự kiện hiếm gặp, nhưng tỷ lệ nhiễm HPV cao khiến các bệnh ung thư liên quan đến HPV, bao gồm ung thư cổ tử cung và ung thư sinh dục khác, nằm trong số các bệnh ác tính phổ biến nhất
Papillomaviruses là những virus DNA nhỏ, không có vỏ bọc, lây nhiễm biểu mô vảy và biểu mô da phân tầng. Hơn 120 loại HPV khác nhau đã được xác định và khoảng một phần ba trong số các loại này nhắm mục tiêu cụ thể vào các tế bào biểu mô trong đường sinh dục. Các loại còn lại lây nhiễm các tế bào biểu mô trong các mô khác bao gồm cả biểu mô da.
Các loại HPV gây nhiễm trùng niêm mạc sinh dục có thể được chia thành hai nhóm. Các loại nguy cơ cao (HR), bao gồm HPV 16, 18 và 12 type nguy cơ cao khác (31, 33, 35, 39, 45, 51, 52, 56, 58, 59, 66, và 68), thường được tìm thấy trong ung thư cổ tử cung. Ngược lại, các týp nguy cơ thấp (LR), bao gồm HPV6 và 11, cũng lây nhiễm biểu mô sinh dục, nhưng hiếm khi được phát hiện trong các khối u ác tính, chủ yếu gây ra các trường hợp sùi mào gà và mụn cóc sinh dục.
2. Vòng đời của Virus HPV
HPV được lây truyền chủ yếu qua niêm mạc, phổ biến nhất là qua đường tình dục và những nơi có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp như âm đạo, cổ tử cung, hậu môn, đường niệu, bàng quang, miệng, mắt… , hôn, đồng tính luyến ái, gây lây nhiễm qua niêm mạc miệng và từ đó xâm nhập vào cơ thể.
– HPV tác động chủ yếu vào biểu mô lát tầng không sừng hóa của cổ tử cung tại nơi tiếp giáp giữa cổ trong và cổ ngoài (vùng chuyển tiếp – nơi tiếp giáp 2 loại biểu mô khác nhau: biểu mô tế bào trụ tuyến và biểu mô lát tầng không sừng hóa). Biểu mô lát tầng không sừng hóa có khả năng bảo vệ và được phát triển lên hướng bề mặt, sau đó sẽ bong ra. Khi nhiễm virus những tổn thương ban đầu có thể xảy ra ở biểu mô lát vốn không tiếp xúc với mạch máu, do đó không gây ra hiện tượng viêm, không hoạt hóa miễn dịch và hầu như miễn nhiễm sau khi đã nhiễm tự nhiên HPV.
– Khi virus tấn công được vào vào lớp tế bào đáy – nhờ những vết thương siêu nhỏ (hình 1) xuyên giữa các lớp biểu mô (Trong biểu mô phân tầng bình thường, các tế bào phân chia tích cực duy nhất nằm ở lớp đáy và lớp cận đáy tiếp giáp với màng đáy và bao gồm các tế bào gốc cũng như các tế bào có tuổi thọ giới hạn được gọi là tế bào khuếch đại chuyển tiếp TA), virus sẽ xâm nhập và sử dụng cơ chế nhân lên và biệt hóa của các tế bào này để phát triển, xâm nhập lên các lớp cao hơn, và giải phóng virion ở tầng cao nhất. Và nếu những vết thương siêu nhỏ ở biểu mô vẫn tồn tại, những thế hệ virus mới này sẽ tiếp tục xâm nhập trở lại các tế bào lớp đáy, và bắt đầu chu kì lây nhiễm mới.
Trong quá trình cư trú ở lớp tế bào đáy và cận đáy vốn có khả năng sinh sản cao và phát triển mạnh hơn bình thường, các oncoprotein (E6, E7) của virus có thể tác động làm thay đổi chu kì hoạt động của tế bào, tạo nên các tế bào phân chia bất thường. Khi các tế bào phát triển bất thường này chiếm toàn bộ các lớp tế bào của biểu mô lát gây hiện tượng dị sản hay ung thư tại chỗ. Sau đó có khả năng lan sâu xuống màng đáy và hình thành ung thư CTC giai đoạn xâm lấn.

3. Làm gì để dự phòng ung thư cổ tử cung do HPV
3.1. Tiêm vaccin với người chưa nhiễm HPV
Tiêm phòng vắc-xin HPV là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây mụn cơm sinh dục cũng như các chủng HPV nguy cơ cao là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiền ung thư, ung thư.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, độ tuổi lý tưởng để tiêm vắc-xin HPV là tất cả trẻ em, nam nữ, từ 11 tuổi – 12 tuổi nhưng cũng có thể được bắt đầu từ 9 tuổi đến 25 tuổi. Theo CDC, dù vắc-xin ngừa HPV không được khuyến nghị sử dụng cho độ tuổi từ 26 trở lên nhưng nhóm độ tuổi từ 27 – 45 tuổi có nguy cơ nhiễm virus HPV nhưng chưa từng tiêm vắc-xin vẫn có thể hữu ích.
Hai loại vắc-xin dự phòng (Gardasil (Merck) và Ceravrix (GSK)) chống lại các loại HR HPV16 và 18 gần đây đã được FDA chấp thuận và hoạt động bằng cách ngăn chặn sự lây nhiễm ban đầu. Tuy nhiên, những loại vắc-xin này không thể loại bỏ các bệnh nhiễm trùng hiện có trước đó mà vẫn có khả năng tiến triển thành ung thư. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục sàng lọc Pap và phát triển các chiến lược điều trị bổ sung chống lại các bệnh nhiễm trùng đang diễn ra.
3.2. Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng PAPs test và HPV-test
Xét nghiệm PAP, cho biết có hay không những tổn thương nghi ngờ hay ác tính trên cổ tử cung.
Trong khi đó, xét nghiệm HPV sẽ nói hiện tại có đang bị nhiễm HPV hay không, nếu có là nhóm nào: nguy cơ cao hay nguy cơ thấp
Tại Việt Nam:
- Phụ nữ 21-29 tuổi nên thực hiện Pap test mỗi 3 năm.
- Phụ nữ 30-65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả 2 xét nghiệm HPV và Pap test (còn gọi là co-testing) mỗi 5 năm (lựa chọn ưu tiên). Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn Pap test đơn thuần mỗi 3 năm.
3.3 Làm gì khi đã được chẩn đoán nhiễm HPV nguy cơ cao
Nhiễm trùng HR HPV thường kéo dài từ 12–18 tháng và cuối cùng bị hệ thống miễn dịch loại bỏ phần lớn sau 2 năm . Khoảng 10% phụ nữ không loại bỏ được nhiễm trùng HPV, dẫn đến nhiễm trùng dai dẳng lâu dài. Sự tồn tại dai dẳng của HR HPV trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất đối với sự phát triển của ung thư.
Trước đây với những đối tượng được xác định nhiễm HPV, có thể kèm theo các bất thường tế bào học mức độ thấp (ACUS, CIN I), khuyến cáo được đưa ra là thực hiện tầm soát ung thư định kì bằng tế bào học (PAP) sau mỗi 6 tháng – 1 năm. Chỉ can thiệp điều trị khi có các bất thường từ CIN II (các tổn thương mức độ cao H-SIL).
Hiện tại, với những hiểu biết tương đối đầy đủ về virus HPV, ngay từ khi phát hiện nhiễm HPV, chưa có triệu chứng hoặc có những sang thương mức độ nhẹ, người bệnh đã có thể sử dụng những hoạt chất tác động vào vòng đời HPV, giúp tăng tốc độ đào thải virus khỏi cơ thể, dự phòng nguy cơ tiến triển đến ung thư cổ tử cung.